Ngưng cung cấp nước khu vực Phường 17, Quận Phú Nhuận
Ngưng cung cấp nước khu vực Phường 15, 17, Quận Phú Nhuận
Ngưng cung cấp nước khu vực Phường 9, Quận Phú Nhuận
Ngưng cung cấp nước khu vực Phường 14, Quận 3
Ngưng cung cấp nước khu vực Phường 13, Quận Phú Nhuận
NGHỊ QUYẾT PHIÊN HỌP LẦN THỨ NĂM HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ NĂM 2023
Giải trình báo cáo tài chính Quý 3 năm 2023
Báo cáo tài chính Quý 3 năm 2023
Lượt truy cập : 15.728.697 lượt
Lượt trong ngày : 2.873
Đang truy cập : 14
Đêm nghe nước “thở”
Theo chân những người công nhân dò bể
Địa bàn quản lý Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định có vị trí phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: Quận Bình Thạnh, Quận Phú Nhuận, Phường 12, 13, 14, Quận 3 và Phường 1, Quận Gò Vấp. Với tổng chiều dài mạng lưới ống cấp 3 khoảng 654 km, tổng số đồng hồ nước là 138.474 cái.
Khi những con đường thành phố ngập trong ánh đèn cao áp và thưa bóng người, lúc này những công nhân dò bể ngầm của Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định bắt đầu công việc thường nhật của mình, đó là dò tìm và phát hiện những điểm rò rỉ trên mạng lưới cấp nước nhằm góp phần trong công tác giảm thất thoát nước, công việc của các anh bắt đầu từ 22h00 và kết thúc vào 4h00 sáng ngày hôm sau.
Do tính chất công việc, các anh chỉ làm vào ban đêm nhằm hạn chế tiếng ồn và lúc nào trên tai cũng đeo máy nên các anh được mệnh danh là những “Bác sĩ” không bằng cấp, chuyên khám và trị bệnh cho hệ thống cấp nước Công ty. Ngoài ra, các anh còn được người trong ngành tặng cho sáu chữ “ Ăn cơm trời – làm việc đất” vì lúc nào các anh cũng cúi gầm mặt xuống đất và lắng nghe từng âm thanh nhỏ phát ra từ lòng đất. Để phát hiện những điểm bể ngầm các anh sử dụng máy dò bể loại khuếch đại âm thanh gồm: tai nghe, bộ đế cảm biến rà trên mặt đất và bộ thiết bị khuếch đại âm thanh có hiển thị tần sóng âm. Để phát hiện được một điểm rò rỉ cần đòi hỏi người công nhân dò bể phải phân biệt hàng trăm âm thanh xuất phát từ lòng đất và môi trường xung quanh như: tiếng nước chảy trong cống, tiếng máy bơm nước, tiếng máy điều hoà nhiệt độ, tiếng xe chạy trên đường, …tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn rất khó chịu khi phải nghe đi nghe lại nhiều lần và phải hết sức tập trung mới phát hiện chính xác điểm rò rỉ. Bên cạnh đó, người công nhân còn dựa vào thang sóng âm thanh để xác định vị trí có nguồn nước chảy lan truyền ra đất.
Theo chân các anh, tôi mới thấy được những khó khăn và nguy hiểm mà các anh phải đối diện hàng ngày như: xe cộ lưu thông vào ban đêm thường nhanh và không cẩn thận nếu không để ý dễ bị va quẹt; có những thanh niên say rượu thường hay gây sự và mượn máy dò nghe thử. Đôi khi người dân còn hiểu lầm các anh là những đối tượng chuyên dán các tờ giấy trên tường nhà, cột điện như vay tiền nhanh, không thế chấp, Alo là có tiền …
Khi tôi hỏi anh Nguyễn Trung Hiếu, người có kinh nghiệm hơn 18 năm trong nghề dò bể về những kỷ niệm vui buồn, đáng nhớ nhất trong đời, anh tâm sự: “Cách đây hai năm khi thành phố bị Đại dịch Covid-19 hoành hành, theo chỉ đạo của lãnh đạo Công ty về việc giải quyết tình trạng không nước tại hẻm 48 Hồ Biểu Chánh, phường 11, quận Phú nhuận đã hai ngày qua người dân không có nước máy sử dụng. Anh cùng với 2 đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ và mang khẩu trang phòng chống Covid-19 đi vào khu vực bị cách ly y tế do trong hẻm có người mắc bệnh Covid-19 vừa qua đời. Lúc đi vào hẻm anh em ai cũng lo sợ vì tình hình lúc đó dịch bệnh diễn ra phức tạp, sau lưng các anh còn có gia đình vợ và các con nhưng vì trách nhiệm đối với Công ty và người dân cả nhóm đã cẩn thận đi vào từng hẻm, đến từng nhà để dò phát hiện điểm bể ngầm. Sau khi phát hiện và đánh dấu, nhóm công nhân tu bổ thi công đến sửa chữa khắc phục điểm bể và người dân trong hẻm đã có nước máy sử dụng để vượt qua khó khăn trong mùa dịch”.
Công việc của các anh lấy đêm làm ngày nên cơ thể mệt mỏi, về phải ngủ nguyên ngày mới hồi sức, do đó có nhiều bất tiện trong sinh hoạt gia đình, có trường hợp gia đình lục đục vì bà xã trách cứ đi làm như vậy hoài không lo được gì cho gia đình, nhưng không vì thế mà các anh bỏ nghề hay xin chuyển qua làm công tác khác vào ban ngày, có lẽ nghề dò bể ngầm đã ăn vào xương thịt của các anh.
Khi tôi chia tay với những công nhân dò bể thì kim ngắn đồng hồ đã chỉ số bốn và các anh vẫn còn dò nốt những đoạn đường cuối cùng. Những giọt mồ hôi chảy dài trên trán hòa lẫn những giọt sương đêm và tôi biết rằng hiện nay tỷ lệ thất thoát nước của Công ty đang giảm trong đó có một phần đóng góp công sức không nhỏ của các anh. Xin tạm biệt các anh và chúc các anh, những “Bác sĩ” chuyên khám và trị bệnh cho hệ thống cấp nước Công ty có thật nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt công việc của mình.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty, cho biết cuối năm 2020, tỷ lệ thất thoát nước ở Công ty là 16,27% nhưng hiện đã giảm còn 8,2%. Công ty đã xây dựng và triển khai các ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác nghiệp vụ và chuyên môn như ứng dụng “Hệ thống bảo trì mạng lưới cấp nước NMS” trên nền tảng GIS; Triển khai ứng dụng LeadRedux của hydroScan nhằm so sánh thời gian thực của mức tiêu thụ hiện tại với dự kiến trên mỗi DMA thí điểm; các ứng dụng GIS trong công tác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành mạng lưới cấp nước (NOC). Việc phát triển Trung tâm NOC giúp giám sát thông tin áp lực, lưu lượng, chất lượng nước, đồng hồ khách hàng, tỷ lệ thất thoát nước liên tục và trực tuyến theo từng DMA. Ngoài các chế độ chính sách dành cho người lao động như lương, thưởng, bồi dưỡng làm việc ca ba … Công ty còn ban hành “Quy định về khen thưởng và xử phạt trong công tác giảm thất thoát, thất thu nước sạch” trong đó khen thưởng cho công nhân dò bể khi phát hiện chính xác điểm bể ngầm và khen thưởng cuối năm khi hoàn thành kế hoạch Công ty giao.
Ông Nguyễn Trung Hiếu công nhân dò bể thực hiện công tác tại
khu vực cách ly Covid-19.
Công nhân tu bổ khắc phục điểm bể.
Tổ chức Công đoàn thăm và tặng quà cho công nhân dò bể.
Phúc Khang